1. Nguyên lý tiên tri trong cờ tướng
Trong cờ tướng hay trong bất kì lĩnh vực nài khác, tiên tri là sự dự đoán trước những gì sắp xảy đến và những điều được dự đoán ấy có khả năng lớn sẽ xảy ra. Nguyên lý này tuỳ thuộc vào sự hiểu biết, tầm nhìn của người chơi. Chiến tranh ngoài đời nguyên lý tiên tri là yếu tố quyết định chiến thắng
Khi giao đấu ta phải xem xét
- Ta đắc tiên hay thất tiên.
- Ta đắc thế hay thất thế.
- Ta đắc trí hay thất trí.
- Đối phương thường sử dụng chiến lược khai cuộc cờ tướng gì?
- Đối phương sử dụng quân cờ nào xuất sắc nhất?
- Đối phương có thói quen, nhược điểm gì mà ta có thể khai thác được?
Chỉ khi biết rõ mình và biết rõ đối thủ rồi thì ta mới có thể đặt ra kế hoạch đúng cho ván cờ.
2. Nguyên lý kế hoạch trong cờ tướng
Kế hoạch bao gồm những phương án, những chiến lược, chiến thuật được tính toán kỹ lưỡng để thực hiện nhằm giành được chiến thắng. Kế hoạch của bạn càng được chuẩn bị chu đáo bao nhiêu thì cơ hội thắng càng nhiều bấy nhiêu. Ở cờ tướng kế hoạch là toàn thể 1 phương án, hay một chiến lược gồm nhiều nước đi, thế đánh được sắp xếp có hệ thống và thực hiện trong một thời gian đã tính trước.
Mỗi nước đi phải nằm trong 1 thế đánh và thế đánh đó phải nằm trong chiến lược có lợi cho kế hoạch đã định ra. Nếu phương án thứ nhất bị bẻ gãy, ta phải tỉnh táo xem xét ý đồ của đối phương. Họ sẽ làm gì? Ở đâu? Ra sao? Sau đó ta lại đặt phương án mới. Vì vậy, ta phải luôn bình tĩnh chống đỡ, cố tìm chỗ sơ hở của đối phương để lập phương án mà phản công kịp thời.
3. Nguyên lý tự nhiên trong cờ tướng
Yếu tố này bao gồm Thiên thời, địa lợi và nhân hòa. Đại thể, thiên thời có sáng, tối, mưa, nắng, gió, bão v.v… Địa lợi có sông, suối, rừng, núi… Nhân hòa là có bạn đồng minh, người cùng chí hướng ủng hộ ta… Ta phải biết tận dụng tự nhiên, đừng chống lại tự nhiên. Giống như hình thể của nước gặp phải chỗ cao nó sẽ tránh (rẽ sang hướng khác) mà đổ xuống thấp, hình thể cuộc hành binh là tránh chỗ mạnh mà công kích chỗ yếu.
Chọn phương tiện thích hợp như: Bàn ghế phải vừa tầm nhìn của ta. Nếu bàn quá cao, ghế quá thấp thì như vậy sẽ khó quan sát. Trước ván cờ tướng (nếu đó là ván cờ quan trọng) cần phải có người cổ động, chỉ bảo cho chúng ta thêm vững vàng. Trong lúc giao đấu không nên để cho mọi người xung quanh rì rào bàn tán về ván cờ. Như vậy sẽ mất tập trung, nghĩa là nhân không được hòa.
Ta phải tập trung lực lượng nhằm vào chỗ yếu, thiếu phòng bị của đối phương mà tấn công. Chính diện thường được phòng thủ cẩn mật, trắc diện thường ít phòng bị. Đánh vào chỗ phòng thủ mỏng là dễ thắng.
4. Nguyên lý cầu kỷ trong cờ tướng
Đối với nguyên lý này đòi hỏi người chơi cờ tướng phải có lòng tự tin và ý chí quyết thắng. Ta phải luôn đặt mình vào cái thế không thua trước đã. Có nghĩa là khi thấy không thể thắng được thì cố gắng thủ hòa chứ đừng để thua ngược. – “Kẻ thiện chiến biết đứng trên vị trí không thể bị bại mà không mất phần thắng”.
Khi chơi cờ phải chiếm giữ những vị trí chiến lược quan trọng, không để đối phương khai thác bất cứ một sơ hở nào. Sau đó ta mới tìm cách tấn công đối phương, hoặc vừa thủ vừa công (Thủ để mà công, công để mà thủ). Phải thủ kĩ, tìm mọi cách thắng quân, thắng nước, lấn dần, chiếm dần ưu thế như tằm ăn dâu (ăn ít mà ăn mãi cũng hết nong dâu), đè bẹp đối phương từ từ cho đến khi toàn thắng.
5. Nguyên lý tồn toàn trong cờ tướng
Tồn toàn hiểu nôm na là giữ sao cho trọn vẹn. Các quân cờ là những bộ phận thân thiết của Tướng nên quân cờ nào mất cũng làm Tướng yếu thế, dễ bị vây hãm, đánh bí.
Ở cờ tướng, tối kỵ là để mất quân (thua quân đối phương), trừ khi đã có kế hoạch nhử cho đối phương ăn quân để ta thắng thế, thắng nước, lợi quân như “Phế Mã tranh tiên”, “Thí Pháo bắt Xe” v.v… lúc nào ta cũng nên bảo toàn lực lượng, cảnh giác việc mất quân. Nếu lực lượng tấn công bị mất một vài quân sẽ giảm hiệu năng kỳ chiến. Nếu lực lượng phòng thủ cũng bị mất đi vài quân như Sĩ, Tượng thì thật khó giữ an toàn cho Tướng. Trong cờ Tướng, có sức mạnh tổng hợp nhờ sự liên hoàn hỗ trợ lẫn nhau. Nếu còn đủ Sĩ, Tượng thì một Xe khó thắng được. – “Tướng, Sĩ, Tượng toàn đơn Xa bất sát” là như vậy. Trong một ván cờ từ khai cuộc đến kết cuộc hẳn phải có nhiều quân cờ bị mất, nhưng sự hy sinh mất mát đó phải có lợi cho ta (lợi quân hoặc lợi nước) hơn đối phương mới được.
Trên đây là những nguyên lý bạn nên nắm được để tính toán nước đi trong ván cờ. Hãy cùng theo dõi tiếp phần II của những nguyên lý cần biết khi tính nước đi nhé. Hãy đến với Tượng kỳ - Game cờ tướng online để tham gia những trận đấu hay và hấp dẫn ngay thôi!